2/3 số bệnh viện tư sống thoi thóp

2/3 số bệnh viện tư sống thoi thóp

Quan điểm của chúng ta là khuyến khích mọi chính sách để phát triển y tế ngoài công lập và những khó khăn vướng mắc cần phải tháo gỡ ngay trên tinh thần không phân biệt công - tư. Các bệnh viện phải đặt mình là người lo cho dân, vì dân, bệnh viện công phải hợp tác với bệnh viện tư. Chúng ta phải thống nhất quan điểm y tế không phân biệt công - tư, tất cả phải vì người bệnh 
Phó thủ tướng 
Vũ Đức Đam
Trong khi nhiều bệnh viện (BV) công thường xuyên quá tải thì công suất sử dụng giường bệnh tại các BV tư chỉ ở mức 50-60%, cá biệt có BV chỉ đạt 20%.
Không được đối xử công bằng
Ở TP.HCM hiện có 44 BV tư đang hoạt động. Chỉ riêng năm 2014 và 2015 có 4 BV tư ra đời là BV quốc tế Thành Đô (nay đổi tên là BV quốc tế City, 320 giường bệnh), BV đa khoa Xuyên Á (750 giường bệnh), BV đa khoa quốc tế Phúc An Khang (giai đoạn đầu 100 giường bệnh), BV đa khoa quốc tế Vinmec Central Park (178 giường bệnh).
Đây là các BV có quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại, chất lượng dịch vụ theo xu hướng “chuẩn khách sạn 4-5 sao”.
Theo Hiệp hội BV tư nhân VN, hầu hết BV tư ở VN ra đời sau năm 2000 nên thương hiệu còn mới, chưa khẳng định được vị thế trong lĩnh vực y tế, không thể địch nổi các BV nổi tiếng hàng chục năm qua.
Tuy chưa có khảo sát cụ thể nhưng ước chỉ khoảng 1/3 BV tư hoạt động có lợi nhuận, 1/3 tiếp tục hoạt động cầm chừng, còn 1/3 đang rất khó khăn. Đa số công suất giường bệnh của BV tư nhân chỉ đạt dưới 50%.
Một số BV tư nhân cho biết khó khăn chính là thiếu vốn đầu tư, chưa có thương hiệu, ở vị trí không thuận tiện, giá khám chữa bệnh còn cao do phải tự lo từ A đến Z, chưa được đối xử công bằng như BV công, chưa kể còn bị thành kiến là chỉ biết... lợi nhuận.
Về tài chính, chỉ những BV từ 100 giường trở lên mới được hỗ trợ lãi suất vay. Trong khi phần lớn BV tư do các nhà đầu tư nhỏ, lẻ, vốn ít nên số giường bệnh thường dưới 100 giường.
Nhà đầu tư BV tư phải bỏ vốn đầu tư thiết bị y tế khá cao, trong khi phải tính hiệu suất thu hồi vốn và khấu hao nhanh (thường 5 năm). Tất cả chi phí đầu tư này đều tính vào bệnh nhân, đây là yếu tố bất lợi vì không phải ai cũng có khả năng trả chi phí cao.
Ngoài ra, quy định không được xây BV trong nội ô TP.HCM khiến các BV tư phải ra quận ven, ngoại thành, trong khi bệnh nhân đến BV tư là người có yêu cầu cao, có khả năng chi trả nhưng ngại đi xa.
Theo nhiều BV tư, đa số chính sách hiện nay chỉ dành cho BV công, ít để ý đến BV tư. Đơn cử, BV công được vay ưu đãi vốn ODA với lãi suất thấp, được Nhà nước đứng ra bảo lãnh, còn BV tư không được, phải vay vốn thương mại với lãi suất cao hơn nhiều, điều kiện vay cũng khó hơn.
BV công được phân hạng nhưng BV tư thì không, hoặc có được phân hạng thì đa số chỉ là hạng 2-3, điều đó đồng nghĩa với việc bảo hiểm y tế hầu như không chi trả phí khám chữa bệnh, hoặc nếu chi trả thì phần lớn ở mức tương đương BV tuyến huyện.
Để tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, tháng 12-2014 Chính phủ đã ra nghị quyết 93/NQ-CP về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế nhằm thúc đẩy hợp tác, phát triển các cơ sở khám chữa bệnh theo mô hình công - tư.
Nhưng thực hiện theo nghị quyết này là không đơn giản, chỉ có bệnh nhân thu nhập cao mới có tiền chi trả phần chênh lệch không được bảo hiểm y tế thanh toán.
Về khám chữa bệnh cho người nghèo, theo quyết định số 14/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ quy định hỗ trợ chi phí đi lại, ăn khi bệnh nhân nghèo điều trị nội trú tại các BV công lập. Điều này khiến nhiều người thuộc diện hộ nghèo không muốn đăng ký điều trị nội trú tại BV tư.
Thiếu nhân lực
Theo ông Phạm Thế Đồng - phó chủ tịch thường trực Hiệp hội BV tư nhân VN, nhân sự BV tư chủ yếu là bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc người mới ra trường. Người về hưu có nhiều kinh nghiệm nhưng sức khỏe kém, bác sĩ mới ra trường kinh nghiệm chưa nhiều.
Giám đốc một BV than có khi BV tư bị BV công “ép”, không cho bác sĩ đến hỗ trợ chuyên môn khi họ gặp những ca bệnh khó. “Nhà nước cho phép các bác sĩ ở BV công hết giờ làm việc được tham gia khám chữa bệnh ở BV tư, nhưng giám đốc BV công thích thì đồng ý, không thích thì không cho” - vị giám đốc này nói.
Ông Cao Độc Lập - giám đốc BV tư nhân Hồng Ngọc (Hà Nội) - cho biết lương trên giấy tờ của bác sĩ mới ra trường tại BV công chỉ bằng 1/2 so với BV tư, nhưng bác sĩ BV tư gặp khó khăn về cơ hội học thêm. BV công có rất nhiều suất học thêm ở nước ngoài cho bác sĩ, nhưng BV tư thì không. BV không có hỗ trợ của các bộ và muốn đưa bác sĩ đi học thêm thì nguồn lực phải mạnh.
Ông Lập cũng cho biết hiện có một số BV tư phát triển và có đủ nguồn lực để đưa bác sĩ đi học ở nước ngoài, mời đoàn chuyên gia nước ngoài về đào tạo cho bác sĩ tại VN, nhưng con số này quá nhỏ.
Một bác sĩ trẻ ra trường phải cần thêm 4 năm đào tạo kiểu cầm tay chỉ việc mới có thể làm việc độc lập được, nhưng cơ hội học thêm ở BV tư ít ỏi nên họ chỉ tuyển được bác sĩ ra trường hạng khá hoặc thấp hơn.
Ông Lập băn khoăn: “Làm gì có bác sĩ giỏi nào 30-40 tuổi về BV tư đâu? Từ trước đến nay chỉ có một số bác sĩ tuổi đó về BV tư Hợp Lực Thanh Hóa, dù BV tư cao cấp sẵn sàng trả lương tới 60-80 triệu đồng/tháng cho những bác sĩ này”.
Ông Nguyễn Văn Đệ - chủ tịch Hiệp hội BV tư nhân VN, chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Hợp Lực (chủ quản BV đa khoa Hợp Lực tại Thanh Hóa) - cho biết BV Hợp Lực được phân tuyến chuyên môn kỹ thuật là BV tương đương hạng II tuyến tỉnh.
Các BV hạng III tuyến huyện có thể chuyển tuyến đến BV Hợp Lực, nhưng rất hiếm trường hợp được chuyển tuyến đến Hợp Lực, kể cả khi bệnh nhân, người nhà có yêu cầu.
Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh chủ yếu là những người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và bệnh nhân ở các huyện chấp nhận vượt tuyến để đến khám và điều trị.
Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, phiến diện của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên y tế ở các BV công lập về vai trò của hệ thống cơ sở y tế tư nhân.
Khó xếp hạng 
bệnh viện tư
Nói về những bất cập đối với BV tư, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho rằng có BV chuyên khoa tư nhân chỉ có 10 giường bệnh, hay đa khoa tư nhân chỉ 31 giường bệnh. Xếp hạng những BV này rất khó vì không đúng theo quy chế về quy mô, số giường bệnh...
“Chúng tôi đang chuyển theo hướng bảo hiểm chi trả theo kỹ thuật, nếu BV 10 giường mà mổ được như BV 1.000 giường, thẩm định đạt thì BV tư cũng được thanh toán chi phí tương đương BV 1.000 giường” - ông Khuê nói.
Ông Khuê còn cho biết yêu cầu ban đầu là hệ thống y tế tư nhân phải đáp ứng 40-50% nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế, số còn lại y tế công đảm trách. Nhưng để đạt con số này thì còn rất xa, bởi hiện y tế tư mới đầu tư đạt 10%/tổng số giường bệnh ở VN và 
15%/tổng số BV.
Hiện có rất nhiều mô hình y tế công - tư kết hợp. Ở Đồng Nai có BV tư được xây dựng ngay cạnh BV công, là cơ sở kết hợp công - tư. Ngay tại những BV lớn như BV Bạch Mai, 100% máy chụp cộng hưởng từ và nhiều loại thiết bị xét nghiệm, chụp chiếu của tư nhân đầu tư.
Ông Khuê cho biết đang có một số dự kiến để có thể khai thác tốt nguồn nhân lực BV công hiện có như ngoài giờ cho phép họ hành nghề tại BV tư, hay các BV công - tư ký hợp đồng hợp tác theo nhóm, BV tư mời bác sĩ BV công đến làm việc vào những ngày cố định trong tuần...
Phải tạo thế mạnh riêng
Để thành công, mỗi BV tư sẽ chọn một hướng đi thông qua việc đầu tư chiều sâu vào thế mạnh của mình. Tại TP.HCM, BV Sài Gòn ITO đi theo con đường chuyên khoa chấn thương chỉnh hình, trong đó tập trung chuyên khoa sâu như cột sống, y học thể thao, vi phẫu...
BV Mỹ Đức tập trung đầu tư vào chuyên khoa sâu hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản bằng các phương pháp khoa học. BV tim Tâm Đức rất thành công nhờ đầu tư chuyên sâu vào lĩnh vực tim mạch, phẫu thuật tim...
Các BV đa khoa tư nhân hầu hết nhắm đến đối tượng bảo hiểm y tế với mục tiêu lấy ngắn nuôi dài.
Trừ những BV tư ra đời 10-15 năm trước như Triều An, Hoàn Mỹ, Vạn Hạnh... thì những BV đa khoa tư nhân ra đời ba năm trở lại 
đây đều gặp khó khăn.

0 nhận xét trong bà i "2/3 số bệnh viện tư sống thoi thóp"

Đăng nhận xét